Tin tức
Nghiện điện thoại ở trẻ: Hậu quả và cách ứng phó
Vào thời kỳ dịch COVID-19 đang bùng phát, nhiều vùng bị giãn cách xã hội và trẻ em không được đến trường, học online… làm gia tăng nguy cơ trẻ em nghiện điện thoại. Nghiện điện thoại tác động xấu tới trẻ như thế nào và giải pháp ứng phó?
Nghiện điện thoại (NĐT) là một trạng thái lo sợ vì không có điện thoại, lo lắng khi điện thoại hết pin, vào vùng không có sóng hoặc quên điện thoại. Bản thân điện thoại hoặc máy tính bảng không phải là vật dụng gây nghiện mà thực chất đó là vật dụng kết nối chúng ta với việc sử dụng quá mức internet, nghiện game, internet và các ứng dụng trên điện thoại di động.
NĐT di động có thể dẫn đến các khó khăn trong kiểm soát những vấn đề như: đánh bạc trên mạng, mua sắm online quá mức, tìm kiếm những hình ảnh khiêu dâm một cách quá mức hoặc chat sex...
Nguyên nhân và hậu quả của NĐT
NĐT có nguyên nhân giống như nghiện rượu và những chất gây nghiện khác làm cho cơ thể tăng giải phóng dopamine và làm thay đổi cảm xúc của trẻ. Cơ thể trẻ nhanh chóng dung nạp với tình trạng này và số lần, thời gian sử dụng điện thoại sẽ tăng lên để thỏa mãn nhu cầu của trẻ.
Hậu quả do nghiện điện thoại ở trẻ:
Tăng cảm giác cô đơn và trầm cảm mặc dù trẻ tưởng như việc sử dụng điện thoại nhiều có thể giúp trẻ bớt cô đơn, buồn chán.
Tăng cảm giác lo lắng: Sử dụng điện thoại càng nhiều, tình trạng lo lắng càng tăng và hiệu quả học tập sẽ giảm đi.
Tăng stress trong cuộc sống: Việc sử dụng điện thoại sẽ làm cho trẻ kiệt sức.
Ở trẻ nhỏ việc sử dụng điện thoại nhiều có thể gây ra những vấn đề về tăng động giảm chú ý. Trẻ sẽ không tập trung vào làm học bài hoặc làm việc cần sự tập trung có khi chỉ là vài phút. Không thể tập trung vào suy nghĩ một vấn đề gì cần đòi hỏi tư duy và sáng tạo, trẻ có thể rơi vào trạng thái tự kỉ.
Rối loạn giấc ngủ: Thường gặp với những trẻ sử dụng nhiều điện thoại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần như trí nhớ, cảm xúc, giảm khả năng nhận thức và học bài.
Biểu hiện trẻ nghiện điện thoại
Việc sử dụng quá nhiều điện thoại sẽ trở thành vấn đề khi trẻ dành quá nhiều thời gian để dùng điện thoại dẫn đến bỏ đi những mối quan hệ trực tiếp, không học bài, không đến trường, bỏ qua những sở thích của mình hoặc những việc quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Những dấu hiệu thường thấy bao gồm:
Không hoàn thành bài tập hay nhiệm vụ ở trường, những công việc ở nhà, kể cả việc ăn uống cũng đơn giản, qua quýt để tập trung vào việc lướt facebook hoặc chat hay chơi game.
Tách rời khỏi gia đình, bạn bè: Đóng kín cửa, ở trong phòng một mình, không tiếp xúc với bạn bè người thân, khi tiếp xúc thì không tập trung vào chuyện người ta nói gì vì bị thu hút bởi điện thoại.
Trẻ cảm thấy căng thẳng lo lắng, hoảng sợ khi bỏ quên điện thoại ở nhà hoặc điện thoại hết pin, hoặc ngoài vùng phủ sóng.
Trẻ thường có dấu hiệu cai khi không được sử dụng điện thoại: bồn chồn, bứt rứt, dễ bực bội, kích thích, khó khăn trong tập trung vào học tập, mất ngủ, tìm mọi cách để tiếp cận điện thoại của mình.
Cần làm gì khi trẻ mắc chứng NĐT?
Thật sự là không dễ dàng từ bỏ điện thoại, máy tính bảng vì trẻ vẫn cần nó để học tập, liên lạc với bạn bè... Vậy cần kiểm soát việc sử dụng điện thoại như thế nào?
Đặt mục tiêu cho việc sử dụng điện thoại: Chỉ sử dụng điện thoại trong học tập, với một thời gian nhất định và thời điểm nhất định trong ngày.
Tắt điện thoại vào thời gian nhất định trong ngày; ví dụ khi đi tập thể dục, khi ăn, khi chơi với bạn bè, không mang điện thoại khi đi tắm hay đi vệ sinh…
Không mang điện thoại hoặc máy tính bảng khi đi ngủ: Ánh sáng xanh của màn hình điện thoại có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ nếu trẻ sử dụng nó trong thời gian hai giờ trước khi đi ngủ, tắt điện thoại và để điện thoại sạc ở phòng khác.
Thay vì đọc sách trên điện thoại, cho trẻ đọc sách giấy, sẽ tốt hơn cho giấc ngủ.
Thay việc sử dụng điện thoại bằng các hoạt động lành mạnh ví dụ như đọc sách, đi bộ, tập thể dục, gặp bạn bè…
Gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng ở điện thoại, đặc biệt những ứng dụng trò chơi làm trẻ ham mê.
Cha mẹ nên dành thời gian để vui chơi, học tập cùng trẻ, giúp trẻ không có thời gian tiếp xúc với điện thoại hay máy tính bảng.
BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
Số lượt xem : 65
Chưa có bình luận nào cho bài viết này