Tin tức

Cập nhật lúc : 10:11 30/01/2020  

Giúp trẻ trở lại nhịp học tập bình thường sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết, các cô giáo mầm non vất vả hơn với việc đưa trẻ trở lại nếp sinh hoạt bình thường. Ảnh minh họa

Từ chiều mùng 4 Tết Canh Tý, bé Cẩm Tú (học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở (THCS) Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) đã than thở với bố mẹ: “Nghỉ 8 ngày mà sao con thấy nhanh quá, chỉ còn mỗi ngày mai nữa là phải đi học trở lại rồi, con không muốn nghĩ đến điều này”. Trong khi đó, chị Diệu Ngọc - mẹ của bé thì không giấu nổi nỗi lo lắng, làm sao để bé Thành An (4 tuổi, em trai của Cẩm Tú) có thể vui vẻ trở lại trường học bình thường sau 7 ngày nghỉ Tết mà không quấy khóc?

Sinh hoạt đảo lộn

Chị Diệu Ngọc chia sẻ, ngay từ những ngày đầu nghỉ Tết, chị đã muốn cố gắng giữ gìn nếp sinh hoạt nền nếp như cũ, để sau Tết nhịp học tập của các con không bị đảo lộn. Tuy nhiên, ngày Tết, việc đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng nội ngoại hai bên, đi du xuân ngắm cảnh là điều bắt buộc.

“Đêm giao thừa thì muốn cho con đi xem bắn pháo hoa, đón thời khắc chuyển giao sang năm mới nên sáng mùng 1 chẳng riêng gì các con mà cả nhà tôi đều dậy muộn. Sau đó là những ngày đi chúc Tết nội ngoại, họ hàng hai bên, đi chơi nhà bạn bè, du xuân ngắm cảnh… nên giờ ăn, giờ ngủ, sinh hoạt đảo lộn hết cả, cộng với tâm lý đang ngày nghỉ mà trời lại rét mướt nên sáng ra tôi cứ để con ngủ nướng”- chị Ngọc kể.

Hậu quả là, tới những ngày nghỉ cuối cùng, khi bắt đầu chấn chỉnh lại nếp sinh hoạt học tập của các con thì cả hai bé đều tỏ ra chán nản, uể oải, không sẵn sàng trở lại trường học như bình thường. “Cháu lớn có ý thức hơn, nhưng vẫn thể hiện thái độ không vui khi mẹ nhắc tới việc đi học trở lại, còn cháu bé thì khóc mếu, lắc đầu quầy quậy nói con không trở lại trường Mầm non Tuổi thơ (trường của cháu) để học đâu”- chị Ngọc cho biết.

Câu chuyện của nhà chị Ngọc chắc chắn không phải là câu chuyện cá biệt, mà diễn ra ở khá nhiều gia đình. Thực tế cho thấy, sau kỳ nghỉ dài với những ngày vui chơi tự do bên gia đình, hầu hết các cháu học sinh đều có tâm lý uể oải, không tập trung không muốn đến trường. Tùy lứa tuổi, khối lớp, học sinh thể hiện trạng thái tâm lý uể oải khác nhau.

Cô giáo Phạm Thị Hường, Trường mầm non Lại Yên, Hoài Đức chia sẻ, trong tuần đầu tiên đi học trở lại sau Tết, công việc của các cô bận rộn và khó khăn hơn hẳn. Bởi lẽ, trẻ thường buồn bã, khóc lóc, đòi về, không chịu vào lớp, không chịu chơi, khiến các cô phải dành nhiều thời gian dỗ dành. Các sinh hoạt đã được giáo viên rèn luyện trong năm học bị xáo trộn. Nhiều bé đang ăn thì ngủ gục nhưng đến giờ ngủ trưa thì đòi chơi, hay khóc, nhõng nhẽo...

Còn cô giáo Phạm Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông nhận xét, khoảng 3 ngày đầu tiên, các em thường không tập trung, nói chuyện nhiều, làm việc riêng và hay mang đồ chơi, đồ ăn đến lớp...

Đáng chú ý hơn là chuyện kiến thức bị “bánh chưng che lấp hết” như lời kể của cô giáo Thu Thủy- giáo viên một trường Trung học cơ sở ở quận Hai Bà Trưng: “Ngoài những thay đổi về nếp sinh hoạt của một số học sinh, điều làm thầy cô mệt mỏi không kém là một số kiến thức cơ bản học trò quên hết. Vào lớp dạy, chỉ một phép tính đơn giản, một câu hỏi thông thường hay một vài phép tính nhân chia trong bảng cửu chương (cái mà các em đã thuộc làu trước Tết) cũng nhiều em không biết.

Trước những biểu hiện trên, các giáo viên cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “ngày tết mà” nên nhiều phụ huynh cũng muốn tạo sự thoải mái cho con em. Còn học sinh do không bị áp lực về bài vở nên vui chơi đến ngày đi học vẫn còn “cảm thấy chưa đã”. Đặc biệt, một số học sinh không sắp xếp thời gian vui chơi hợp lý nên không bắt nhịp với việc học khi quay trở lại trường.

Giúp con trở lại nhịp học bình thường

Từ kinh nghiệm của mình, cô giáo mầm non Phạm Thị Hường cho rằng, để các con không bị tâm lý sợ sệt khi đi học lại, khi trẻ hư, phụ huynh không nên đưa giáo viên ra hù dọa, mà nên thường xuyên khen ngợi, động viên khi các con làm việc tốt. “Hai ngày trước khi đi học lại, phụ huynh cho trẻ tập theo giờ giấc ăn ngủ đã được rèn và khơi gợi cho con tâm lý nhớ bạn, nhớ trường để hào hứng chờ đợi ngày đến trường”, cô Hường khuyên.

Qua nhiều năm nắm bắt tâm lý của học trò, cô giáo tiểu học Phạm Thị Tươi cho rằng dù có ép học sinh chuyên tâm chuyện học ngay cũng không đạt kết quả. Chưa kể nếu không cẩn thận sẽ gây tác dụng ngược khiến học trò chán nản, buông kiến thức. Để dẫn dắt từ từ, cô Tươi cho biết: “Vào buổi học đầu tiên, tôi cùng học trò giao ước hôm nay kể chuyện về những ngày vui đã qua, kết hợp với việc ôn lại kiến thức thông qua các trò chơi sưu tầm được một cách thực sự nhẹ nhàng, vui nhộn”.

Ở bậc Trung học cơ sở, có hiệu trưởng đưa ra ý tưởng cho buổi học đầu tiên của năm mới là tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, dâng hương tưởng niệm danh nhân mà trường mang tên để tạo động lực cho học sinh, đồng thời giúp các em hiểu được cội nguồn và có những ngày học tập đầu xuân đầy ý nghĩa.

Một số giáo viên bậc Trung học cơ sở cũng lưu ý, sau thời gian nghỉ Tết là thời điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối học kỳ 2 nên học sinh cần bắt nhịp sớm, đặc biệt là học sinh cuối cấp phải chú ý hơn. Một vài ngày trước khi vào học lại nên chuẩn bị sách vở, xem lại bài cũ hoặc đọc những bài thơ, bài văn mình yêu thích để tạo đà cho việc học.

Đối với học sinh Trung học phổ thông, các thầy cô khuyên rằng, sau Tết, các em sẽ bước vào các kỳ kiểm tra nên cần bắt nhịp ngay thay vì giữ tâm lý tháng giêng là tháng ăn chơi. Văn ôn võ luyện, không nên buông lỏng.

Nguồn http://laodongthudo.vn

Số lượt xem : 113

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác