Tin tức
Chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày Tết
Theo phong tục, cứ vào dịp Tết, nếp sống và các món ăn tại các gia đình thay đổi. Việc dùng các món ăn đặc trưng của Tết cũng như thức ăn lưu giữ lâu ngày trong tủ lạnh (không đảm bảo nhiệt độ lạnh) có thể gây bệnh cho mọi người, nhất là trẻ em. Sau đây là những bệnh trẻ em thường mắc vào dịp Tết.
Tiêu chảy cấp Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng hoặc vi trùng Rotavirus, E.coli, Shigella... Triệu chứng của bệnh là trẻ tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn, sốt. Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy cấp là mất nước, khiến trẻ mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, thóp lõm, tiểu ít, da khô và nhăn nheo. Nguyên nhân: có thể do dùng thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu, sữa pha sẵn dùng cả ngày... Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ có thể xử trí ban đầu: bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống các loại dung dịch điện giải có sẵn trên thị trường như: ORS, Hydrite. Cho uống thuốc hạ nhiệt nếu trẻ sốt cao. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn dặm. Chú ý đảm bảo cung cấp chất đạm, chất béo và các vitamin. Đồng thời cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy sau 2 ngày điều trị như trên hoặc nếu trẻ sốt cao, có các dấu hiệu mất nước, phân có máu hoặc ăn kém. Bệnh cảm Đây là loại bệnh thường gặp nhất của trẻ em trong dịp Tết. Thường trẻ sốt nhẹ, sổ mũi nước trong và lỏng, hắt hơi. Trẻ vẫn ăn, chơi bình thường. Cách xử trí: Giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn bình thường, uống nhiều nước, nước trái cây. Có thể cho trẻ uống một số thuốc kháng dị ứng thông thường như: Chlopheniramine, Polaramine, liều thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh cúm Bệnh này hay gặp nhất vào mùa lạnh, bệnh thường kéo dài gây mất sức cho trẻ và dễ lây lan. Tác nhân gây bệnh là các siêu vi trùng cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau. Năm nay cần lưu ý tới vi-rút cúm H5N1 lây lan từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh khiến trẻ sốt cao, ho, sổ mũi, hắt hơi. Thường trẻ đau nhức cơ, mệt mỏi, ăn uống kém. Xử trí ban đầu: cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn, cho trẻ ăn với chế độ ăn tăng sức đề kháng, dùng thực phẩm dễ tiêu, tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, dùng thức ăn có nhiều chất khoáng và vitamin như các loại súp, trái cây (cam, chanh). Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt nếu sốt cao. Cần theo dõi các triệu chứng của bệnh cúm do H5N1 để đưa trẻ tới bệnh viện điều trị kịp thời. Ngộ độc thức ăn Đây là bệnh rất thường gặp trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cũ lưu trữ không đúng cách, thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn. Thường sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc tố, nhiễm khuẩn khoảng 1-6 giờ, trẻ bị đau quặn bụng từng cơn, nôn ói nhiều lần, có thể có tiêu chảy, trẻ nhanh chóng đi vào tình trạng mệt lả. Những người khác trong gia đình cũng có thể bị tương tự. Cách xử trí ban đầu: cho trẻ nằm nghỉ, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ, dùng dung dịch bù nước điện giải bị mất. Nếu có dấu hiệu mất nước nặng, nôn ói nhiều cần đến bệnh viện để được xử trí thích hợp.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp
Số lượt xem : 152
Chưa có bình luận nào cho bài viết này