Tin tức

Cập nhật lúc : 13:37 16/03/2020  

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ lười vệ sinh thân thể

Các bậc cha mẹ nên giải thích để trẻ hiểu việc cần thiết phải vệ sinh thân thể, từ đó giúp hình thành sự tự giác. Ảnh: Pdospecialists

Mặc dù vận động cả ngày nhưng không phải trẻ nào cũng thích tắm gội, đánh răng, rửa tay. Nhiều phụ huynh thậm chí còn phải dùng đến vũ lực, hoặc đe dọa. Vậy phải làm gì để trẻ hợp tác với bố mẹ trong việc vệ sinh thân thể, thậm chí là chủ động làm những việc đó mà không cần ai thúc giục? Bạn sẽ cần phải lưu ý các bước sau:

1. Tăng cường nhận thức cho trẻ về vệ sinh cá nhân

Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề trẻ lười vệ sinh thân thể, đầu tiên bạn cần cải thiện nhận thức của trẻ. Bạn nên nói cho con hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của từng việc nhỏ như tắm gội, đánh răng, rửa tay, để con đồng ý với bạn về tầm quan trọng của những việc đó.

Việc trẻ đồng ý với bạn là điều kiện tiên quyết để trẻ tự quản lý - tiền đề của việc phát triển thói quen tự giác. Chỉ khi trẻ hiểu được việc vệ sinh là cần thiết, thì khi bạn không hăm dọa, "dụ ngọt" con vẫn có thói quen giữ sạch sẽ thân thể.

Để thực hiện bước này, bạn nên giải thích cho con rằng: "Nếu con rửa tay sạch, vi khuẩn sẽ không còn trên tay con, nó sẽ không thể chui vào bụng con, làm con đau bụng". Hoặc: "Nếu con không chịu đánh răng, vi khuẩn sẽ ở trong răng con, chúng sẽ đào lỗ trong răng con, làm con bị một lỗ sâu xấu xí trên răng".

2. Thay đổi giảng giải trừu tượng sang giảng giải bằng hình ảnh cụ thể

Người lớn thường giải thích cho trẻ về ảnh hưởng của vi khuẩn đến sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, trong đầu óc non nớt của trẻ, "vi khuẩn" thực sự xa lạ và trẻ không sợ khi bố mẹ cảnh báo. Bạn có thể giải quyết việc này bằng cách cho con xem các cuốn sách, video nói về vi khuẩn

Phương pháp này sử dụng "bộ nhớ hình ảnh" của trẻ. Bộ não con người ghi nhớ hình ảnh tốt hơn nhiều so với văn bản. Ví dụ, nếu bạn nói từ "quả táo", não chúng ta chỉ nhập thông tin ở cấp độ khái niệm. Nhưng nếu bạn đưa ra hình ảnh quả táo, não bộ sẽ nhập thông tin ở cả cấp độ khái niệm và hình ảnh trực quan (màu sắc, hình dạng) của quả táo. Nhờ đó, các ấn tượng tự nhiên về đối tượng được nhắc tới trở nên sâu sắc hơn.

Tương tự, nếu bạn muốn con bạn hiểu về vi khuẩn và tác hại của nó, bạn có thể cho con xem cuốn sách minh họa bằng hình ảnh về vi khuẩn. Theo cách này, khi chúng ta nhắc trẻ đánh răng, não bộ trẻ sẽ tự động nhắc đến hình ảnh về vi khuẩn, về những chiếc răng sâu, về sự đau răng... , điều này sẽ giúp trẻ ý thức việc mình cần làm để bảo vệ cơ thể.

Bên cạnh sách, truyện, bạn cũng có thể cho con xem các đoạn video nhỏ mô tả về vi khuẩn, cách chúng ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể... Một số phim hoạt hình còn ví làn da như sa mạc, lỗ mũi như khu rừng ẩm ướt, ruột non là nhà máy chế biến thực phẩm..., và tác động của các loại vi khuẩn tốt, xấu tới cơ thể. Khi xem những video đó, trẻ sẽ càng có thêm hiểu biết về cơ thể con người.

Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể cho trẻ tới tham quan các bảo tàng khoa học, công nghệ, nơi trẻ tận mắt được nhìn các mô hình vi khuẩn, vi rút phóng to, nhờ thế bé có cái nhìn trực quan hơn về vi khuẩn.

3. Tăng thêm hứng thú cho trẻ

Để tăng hứng thú cho trẻ trong việc vệ sinh cá nhân, bạn nên bắt đầu bằng việc đồng hành cùng con. Có bạn đồng hành cùng đánh răng, rửa tay chân, bé sẽ thích hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn có thể mua tặng con những chiếc bàn chải, khăn mặt... xinh xắn, phù hợp độ tuổi, để cho con thêm hào hứng khi sử dụng chúng, nhờ thế hình thành thói quen sử dụng "quà mẹ tặng" mỗi ngày.

4. Bố mẹ phải làm gương

Hẳn nhiên, muốn trẻ có ý thức sạch sẽ, điều quan trọng chính là bố mẹ cần làm gương cho con cái. Chỉ khi phụ huynh có ý thức làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trẻ mới có thể noi theo. Khi bạn không chịu rửa tay sạch sẽ sau khi ra ngoài, hay đánh răng trước khi đi ngủ, bé không thể nào làm điều đó một cách chủ động được.

Nguồn https://vnexpress.net

Số lượt xem : 85

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác