Những đứa trẻ “không được lớn”
Cập nhật lúc : 08:16 19/12/2019
Bên cạnh những người con được o bế, chiều chuộng quá đà đến mức ích kỷ, thờ ơ, vô trách nhiệm thì cũng có không ít những đứa con “gà công nghiệp”, cuộc sống hoàn toàn dựa vào mọi quyết định của cha mẹ.
“Anh phải hỏi mẹ đã”
Chị Ngân An (quận Gò Vấp, TPHCM) khóc dở mếu dở tâm sự: “Em lấy phải người chồng trẻ con đến phát khổ. Động đến việc gì anh ấy cũng bảo để anh hỏi mẹ đã. Khi còn yêu nhau, thấy anh hiền lành, ngoan ngoãn, bảo gì làm nấy, em nghĩ mình may mắn vì có người chồng chiều chuộng nhưng giờ mới biết, hóa ra anh ấy không biết và không dám làm bất cứ việc gì thật.
Mẹ chồng em nói, từ nhỏ đến giờ anh chỉ lẽo đẽo đi sau chân mẹ, mẹ bảo gì làm nấy nên mới ngoan như thế. Bà nhắc em ráng chăm sóc chồng như bà đã làm, nhưng em lấy người đàn ông để làm chồng chứ có phải để làm mẹ anh ấy đâu?”.
Giống chị Ngân An, chị Bảo Thương (quận 4, TPHCM) cũng không thể chịu đựng được người chồng “không ra lớn, không ra bé” của mình. Chị cho biết: “Hai vợ chồng lấy nhau, được mẹ chồng cho một quầy tạp hóa để buôn bán, nhưng chồng tôi cả ngày chỉ biết chơi game, không hề để ý một chút nào đến việc làm ăn.
Từ việc lấy hàng, nhập hàng đến giao hàng cho khách, nếu tôi không quát lên bắt làm thì chồng tôi cũng mặc kệ. Giờ tôi đang có bầu, không biết ít ngày nữa tôi sinh bé, không bán hàng nữa thì lấy gì để sống? Hỏi chồng tôi thì anh thản nhiên: “Hết tiền về xin mẹ”.
Hoài Anh (quận 9, TPHCM) luôn là đứa con ngoan trong mắt cha mẹ, bởi từ nhỏ đến lớn, cô luôn làm theo tất cả những gì cha mẹ chỉ đạo. Từ việc thi đại học vào trường nào, ra trường cha mẹ xin được vào chỗ nào thì ngoan ngoãn ngồi yên làm việc chỗ đó đến cả việc phải mặc quần áo ra sao, mua xe gì, ăn món gì… nhất nhất Hoài Anh đều làm theo răm rắp. 30 tuổi, cô vẫn chưa lập gia đình vì “ba mẹ em nói để ba mẹ tìm một người phù hợp cho em đỡ khổ”.
Không cho con “cai sữa”
Chị Huyền Phương (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Lấy chồng muộn, sức khỏe yếu nên mấy năm sau tôi mới mang bầu. Mong mãi mới được đứa con nên tôi tự hứa với bản thân sẽ dành cho con những điều tốt đẹp nhất, cho con một cuộc sống hạnh phúc nhất, sung sướng nhất.
Tôi chăm con từng miếng ăn, giấc ngủ, không dám cho con động tay động chân vào bất kỳ việc gì vì sợ con vất vả, sợ các tai nạn không lường được như té, bỏng, đứt tay… Đối với tôi, con lúc nào cũng bé bỏng và cần tôi ở bên, tôi luôn lo sợ con không an toàn ngoài vòng tay mình. Việc duy nhất của con là ăn, ngủ và học.
Dù con đã học đến THPT tôi vẫn không dám để con đi học một mình, hàng ngày đều đưa đón con. Con đi qua đường tôi cũng phải nắm tay con. Kể cả các chương trình ngoại khóa của trường tôi cũng không cho con tham gia vì tôi lo sợ không có tôi bên cạnh, con sẽ không xử lý được và có thể con sẽ gặp nguy hiểm nào đó. Việc con tiếp xúc với bạn bè, hàng xóm cũng bị tôi hạn chế vì tôi sợ con bị lừa gạt, dụ dỗ”.
Các nhà nghiên cứu tâm lý cho biết, cha mẹ quan tâm, yêu thương con cái chưa bao giờ là sai trái. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra bao bọc thái quá, mà không nhận ra rằng họ đang tước đi những cơ hội cho con cái rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và bản lĩnh để trưởng thành một cách đúng nghĩa.
Khi con bé bỏng, cha mẹ lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của con, cùng với rất nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Đến khi con lớn lên, cha mẹ lại phải chú ý đến vấn đề học tập và các mối quan hệ của chúng. Có không ít đứa con chỉ vì ngoan ngoãn quá, nên khi cha mẹ đến tuổi già mới nhận ra mình sai lầm, vì con không thể một ngày “sống thiếu sự chỉ bảo của cha mẹ”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM phân tích, khi đứa trẻ lớn lên, đi làm, lập gia đình, tức là đứa trẻ cần một cuộc sống độc lập. Cha mẹ không thể sống thay cho con, càng không thể lo hết được toàn bộ cuộc sống của con mãi được. Làm như vậy chỉ khiến cho đứa trẻ ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống.
Hễ thấy con bị chèn ép, cha mẹ lập tức ra mặt, không để cho con phải chịu một chút uất ức. Các bậc cha mẹ càng muốn con cái ngoan ngoãn, dễ bảo sẽ tự biến mình thành nô lệ của con, càng có khả năng tạo ra “thế hệ ăn bám” đúng nghĩa.
Rất nhiều bậc cha mẹ nói rằng, yêu con bao nhiêu cũng không đủ, họ cứ nghĩ cho con vào trường học tốt nhất, cung cấp những dưỡng chất tốt nhất, xây dựng lô cốt an toàn nhất, là chắc chắn sẽ tạo nên anh tài, tuấn kiệt.
Nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam có thói quen quyết định thay cho con cái, họ khăng khăng áp đặt định kiến và kỳ vọng của mình mà không hề đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu suy nghĩ, cảm nhận, mong muốn của chúng. Nhiều đứa trẻ mặc dù đã khôn lớn nhưng vẫn không được lắng nghe, không được công nhận.
Một số bậc cha mẹ nghiễm nhiên tự biến mình thành “nô lệ” cho con, nhiệt tình phục dịch con không công đến hết cuộc đời. Kết quả người khổ nhất vẫn là cha mẹ và sau đó là đứa con, người không có cơ hội để trưởng thành.
Theo PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học, sinh lý lứa tuổi cho rằng, những đứa trẻ được bố mẹ nuông chiều và bao bọc quá mức sẽ khiến chúng không thể hình thành ý thức, không biết sắp xếp cuộc sống, trở thành những “con gà công nghiệp” trong chính gia đình của mình.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
Bản quyền thuộc Trường Mầm non Nguyễn Viết Phong
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-nvphong.huongthuy.thuathienhue.edu.vn/