In trang
ĐÔI BẠN

Để trẻ em bẩn hay sạch tốt hơn?
Cập nhật lúc : 08:46 23/03/2017

Bạn thấy một đứa trẻ nhặt bã kẹo cao su trên đường phố bẩn thỉu và cho ngay vào miệng nhai với vẻ mặt hào hứng.


Tình cảnh càng tồi tệ hơn khi đứa trẻ đó chính là con bạn.


Nhưng trước khi hoảng hốt nạt con, bạn nên biết nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong những năm đầu đời, để trẻ ăn dơ, nghịch bẩn thực ra lại có lợi cho chúng. Bởi vì nếu tránh cho trẻ phơi nhiễm với vi khuẩn, vi trùng thì hệ miễn dịch của trẻ sẽ không trưởng thành được.


Theo báo Mỹ New York Times, trong các nghiên cứu về những gì được gọi là giả thuyết về vệ sinh, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các sinh vật như hàng triệu vi khuẩn, virus và đặc biệt là giun xâm nhập vào cơ thể cùng với "bụi bẩn" thúc đẩy sự phát triển của một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Một số nghiên cứu kéo dài nhiều năm cho thấy rằng giun sán cũng có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ như giúp cải thiện viêm ruột; giúp làm ổn định lại hệ thống miễn dịch đang hoạt động nhạy cảm quá mức dẫn đến rối loạn tự miễn như dị ứng, eczema, hen suyễn...


Các nghiên cứu này, cùng với các quan sát dịch tễ, dường như giải thích tại sao các chứng rối loạn hệ thống miễn dịch như xơ cứng đa xơ cứng, tiểu đường loại 1, bệnh viêm ruột, hen suyễn và dị ứng đã tăng đáng kể ở Hoa Kỳ và các nước phát triển khác.

Huấn luyện hệ miễn dịch
Từ khoảnh khắc được sinh ra, chúng ta bắt đầu bị vi khuẩn xâm chiếm, khởi đầu một loạt các quá trình sinh học cơ bản, bao gồm sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Trước khi sinh, lớp màng trong ruột của chúng ta chứa đầy tế bào miễn dịch chưa trưởng thành. Khi vi khuẩn xâm nhập, các tế bào miễn dịch phản ứng với chúng, thay đổi và nhân lên. Chúng thậm chí di chuyển đến các phần khác của cơ thể để đào tạo các tế bào khác với thông tin mà chúng thu được từ những kẻ xâm nhập này. Nếu không có sự tương tác này, hệ thống miễn dịch vẫn còn non yếu và chưa trưởng thành, không thể chống lại bệnh đúng cách.


Bà Mary Ruebush, một chuyên gia về vi sinh học và miễn dịch học, đã viết trong cuốn sách của mình "Why Dirt is Good" (tạm dịch: "Tại sao bẩn lại tốt?") như sau: "Những gì một đứa trẻ đang làm khi đưa một thứ nào đó vào miệng là cho phép phản ứng miễn dịch của mình khám phá môi trường. Điều này không chỉ cho phép "thực hành" phản ứng miễn dịch - rất cần thiết để bảo vệ - mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc huấn luyện hệ miễn dịch chưa trưởng thành phản ứng cái gì tốt nhất nên bỏ qua".


Còn một nhà nghiên cứu hàng đầu, Tiến sĩ Joel V. Weinstock, giám đốc hệ tiêu hóa và gan học tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston (Mỹ) cho hệ thống miễn dịch của trẻ khi mới sinh "giống như một máy tính không được lập trình. Nó cần hướng dẫn".


Ông nói rằng các biện pháp y tế công cộng như làm sạch nước và thực phẩm bị ô nhiễm đã cứu sống được vô số trẻ em, nhưng chúng "cũng đã loại bỏ sự phơi nhiễm với nhiều sinh vật có thể tốt cho chúng ta".


Ông nói thêm: "Trẻ em lớn lên trong môi trường siêu sạch, không được phơi nhiễm với các sinh vật giúp chúng phát triển các mạch điều hòa miễn nhiễm thích hợp".


Các cuộc nghiên cứu mà ông tiến hành với Tiến sĩ David Elliott, một nhà nghiên cứu về miễn dịch học về hệ tiêu hoá và nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Iowa (Mỹ), cho thấy những con giun trong ruột đều bị loại bỏ ở các nước phát triển "có thể là yếu tố lớn nhất" trong việc điều chỉnh hệ miễn dịch để đáp ứng một cách thích hợp. Ông nói thêm rằng vi khuẩn và virus dường như ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch theo cùng một cách, nhưng không mạnh mẽ.


Tiến sĩ Weinstock cho biết hầu hết giun sán là vô hại, đặc biệt ở những người đầy đủ dinh dưỡng. "Có rất ít bệnh mà người ta có thể mắc phải từ giun sán. Con người đã thích nghi với sự hiện diện của hầu hết trong số đó", ông nói.


Không quá sạch sẽ

Mặc dù không khuyến khích quá sạch sẽ, tiến sĩ Ruebush, tác giả của cuốn sách "Why Dirt is Good" cũng không gợi ý chúng ta nên trở lại với bẩn thỉu, rác rưởi. Bà chỉ ra một cách chính xác rằng vi khuẩn ở khắp mọi nơi: trên chúng ta, trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Hầu hết các vi sinh vật này không gây ra vấn đề, và nhiều vi khuẩn, tương tự như những vi khuẩn thường sống trong đường tiêu hóa và tạo ra các chất dinh dưỡng duy trì cuộc sống, rất cần thiết cho sức khoẻ.


"Một người bình thường có thể chứa khoảng 90 nghìn tỷ vi khuẩn", bà viết. "Thực tế là bạn có quá nhiều vi khuẩn, nhiều loại khác nhau và chúng là thứ giúp cho bạn hầu như lúc nào cũng khỏe mạnh".


Bà cũng chỉ trích sự tôn sùng, quảng cáo quá đáng của hàng trăm sản phẩm kháng khuẩn truyền tải cảm giác sai lệch về sự an toàn và có thể thực sự thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh nhờn kháng sinh. Bà cho rằng xà phòng thường và nước là tất cả những gì cần thiết để giúp cho cơ thể sạch sẽ.


Hồi năm ngoái, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đã thông báo: "Các công ty sẽ không còn được quảng cáo về sản phẩm vệ sinh kháng khuẩn với các thành phần trên. Họ đã không chứng minh được rằng chúng hiệu quả hơn so với xà bông thường trong việc ngăn ngừa bệnh tật cũng như sự lây lan của một số loại nhiễm trùng nhất định. Chúng cũng không thực sự an toàn để sử dụng hàng ngày trong một thời gian dài".


"Không nhất thiết phải rửa tay thường xuyên nhưng tất nhiên tôi khuyến nghị bạn rửa tay sau khi vào nhà vệ sinh, trước khi ăn, sau khi thay bỉm, trước và sau khi chế biến thức ăn và bất cứ khi nào nhìn thấy tay lấm đất", bà viết. Khi không có nước mà cần thiết tay phải sạch, bạn có thể sử dụng rượu để vệ sinh tay.

 

Tiến sĩ Weinstock còn bổ sung: "Trẻ em nên được phép đi chân đất, chơi dưới đất và không phải rửa tay khi chúng vào bữa". Ông chỉ ra rằng trẻ em lớn lên ở nông thôn, thường xuyên phơi nhiễm với giun sán và các sinh vật khác từ động vật nuôi ít có khả năng bị dị ứng hay các bệnh liên quan đến tự miễn dịch. Và việc cho trẻ chơi với chó, mèo cũng rất có ích vì việc phơi nhiễm giun sán đường ruột có thể thúc đẩy một hệ miễn dịch khoẻ mạnh.


Nhưng bẩn thế nào là an toàn?

Theo cuốn sách "Let Them Eat Dirt: Saving Your Child from an Oversanitized" (tạm dịch: "Hãy để trẻ em ăn bẩn: Cứu con bạn khỏi thế giới quá sạch sẽ"), đồng tác giả là B. Brett Finlay (nhà vi sinh học đại học British Columbia, Canada) và Marie-Claire Arrieta (Đại học Calgary), một trong những cách tốt nhất để trẻ có được những vi khuẩn thiết yếu là để chúng nghịch bẩn. Trẻ em - đặc biệt dưới 5 tuổi - nên được phép chơi ngoài trời và bị dơ bẩn, nhưng trong giới hạn.


Trả lời ABC News (Mỹ), giáo sư Finlay, đồng tác giả cuốn sách nói: "Chúng ta phải suy nghĩ một chút: để trẻ liếm sàn nhà mình chứ không phải là ngoài đường, bến xe. Thức ăn rơi xuống sàn nhà bạn, trẻ có thể nhặt lên ăn, nhưng không nhặt thức ăn rơi nơi công cộng. Cho trẻ chạm vào cỏ cây, đất đá có thể không cần rửa tay. Nhưng tránh xa các đồ độc hại như pin, sơn... Chạm vào người đang bị nhảy mũi hoặc sốt thì phải rửa tay".


Ông cũng nói cha mẹ không nên sợ để cho người lạ chạm vào trẻ sơ sinh hoặc để cho thú cưng trong nhà liếm láp đứa bé bởi vì nó đem không khí ngoài trời vào nhà.


Các nhà khoa học này khuyên cha mẹ không cần khử trùng bình sữa, chỉ cần rửa bình thường là được.


Theo tạp chí Time, những đứa trẻ nhà có chuột cướp phá, nuôi mèo và phân gián có tỉ lệ bị khò khè thấp hơn ở độ tuổi lên 3. Những đứa trẻ sống trong nhà có lượng vi khuẩn lớn cũng ít bị khò khè và ít bị mắc các bệnh về dị ứng môi trường. Còn trẻ em không bị dị ứng hầu như lớn lên ở các gia đình có lượng các chất gây dị ứng và vi khuẩn cao nhất.


Tóm lại, đừng nhốt con bạn vào chiếc bong bóng sạch sẽ. Giữ cho trẻ sạch quá không phải là điều tốt nhất bạn làm cho con và càng khó bảo vệ con bạn khỏi vi khuẩn, vi trùng.


Theo Review (MT sưu tầm)