Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết nồm ẩm
Cập nhật lúc : 08:48 28/02/2018
Thời tiết mưa phùn, nồm ẩm kéo dài sẽ là điều kiện thuận lợi cho nhiều vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là bệnh hô hấp. Do đó, cha mẹ cần nhanh chóng có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bé.
Những bệnh trẻ thường gặp trong mùa nồm
Trong thời gian này, miền Bắc đang bước vào giai đoạn thời tiết đặc trưng của mùa xuân, đó là ẩm nồm.Thời tiết này khiến vật dụng dễ bị nấm mốc, hỏng hóc, gây cảm giác khó chịu.Đây còn là môi trường thuận lợi cho vi-rút và nấm mốc phát triển, gây nên các dịch bệnh cho trẻ.
Theo số liệu thống kê, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng tới 30%, thậm chí là 40% vào mùa nồm so với các thời gian khác trong năm. Trong đó, trẻ chủ yếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm mũi, viêm tiểu phế quản, hen… Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc một số bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, bệnh thủy đậu, các bệnh về da, bệnh viêm kết mạc trong thời gian này.
Cách tốt nhất để trẻ không bị mắc các bệnh trong mùa nồm là cần có những giải pháp căn bản để phòng bệnh đúng cách, bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây bệnh trong kiểu thời tiết khó chịu này.
Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho bé?
Tăng cường khả năng đề kháng
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh là do có sức đề kháng kém. Hãy bắt đầu thay đổi ngay từ thực đơn trong các bữa ăn hàng ngày thật khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì tăng chất đạm béo.
Bổ sung nước mỗi ngày cũng là cách để tăng sức đề kháng, tránh nguy cơ bị mất nước. Sinh hoạt hàng ngày nên ngủ đủ giấc, tránh việc thức khuya gây mệt mỏi, tạo cơ hội cho các loại bệnh phát triển.
Giữ đủ ấm cho cơ thể
Giữ ấm bụng cho trẻ để tránh bị lạnh bụng, gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Còn giúp hệ tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt hơn.
Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.
Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi. Nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.
Nên có sẵn vài chiếc khăn xô thấm nước để lau mồ hôi cho trẻ. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân – nơi ra nhiều mồ hôi. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời. Trẻ bé nếu cho ra ngoài trời cần quấn kín chân và phần thân dưới bằng tấm chăn mỏng để giữ nhiệt.
Không khí nồm ẩm sẽ theo cửa sổ và làm ẩm ngôi nhà của bạn. Nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế không khí vào nhà. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước. Chăn màn cũng nên thay đổi đề phòng nấm mốc, ẩm ướt gây nhiều loại bệnh hay virus.
Dọn dẹp, hút bụi đồ vật bị nấm mốc để tránh hít phải bụi bẩn gây nhiễm bệnh
Nấm mốc, vi khuẩn,... có thể bám vào quần áo và gây bệnh cho người. Có thể sử dụng các loại máy hút ẩm để loại bỏ không khí ẩm mốc trong phòng. Quần áo khi mặc nên sấy hoặc sử dụng hong khô, tránh cho trẻ em mặc quần áo ẩm dễ bị nhiễm lạnh, từ đó mắc nhiều loại bệnh hô hấp. Lưu ý, hạn chế sử dụng thảm trải sàn khi nền nhà "đổ mồ hôi"
Với những đồ dùng mà trẻ thường sử dụng, cần làm vệ sinh thường xuyên, phơi, sấy khô quần áo, khăn mặt. Ban đêm độ ẩm tăng cao, trong phòng ngủ của trẻ nên có máy hút ẩm hoặc điều hòa 2 chiều.
Cha mẹ cần đảm bảo tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng quy định về mặt thời gian và số lần tiêm phòng, bảo vệ trẻ tránh bị vi-rút gây bệnh truyền nhiễm tấn công.
Nguồn http://thegioitre.vn
Bản quyền thuộc Trường Mầm non Nguyễn Viết Phong
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-nvphong.huongthuy.thuathienhue.edu.vn/