Các loại bệnh bé dễ bị lây nhiễm trong mùa mưa.
Cập nhật lúc : 04:27 29/10/2015
Vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm... phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh.
Dưới đây là 1 số bệnh tiêu biểu bé dễ mắc phải trong mùa mưa lạnh cha mẹ cần biết để hạn chế tối đa việc mắc bệnh cho con.
1. Bệnh tay chân miệng (TCM)
Bệnh TCM là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Khi phát dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh hay qua bàn tay chăm sóc của người chăm sóc.
Tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác qua bàn tay bẩn.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn Lifebuoy dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh.
Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm cần thiết là cách tốt nhất để phòng bệnh tay chân miệng.
2. Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là dưới 10 tuổi.
Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy. Ngoài ra, cha mẹ hết sức chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày.
3. Bệnh tiêu hóa
Vào mùa mưa bão cùng với môi trường nước bị nhiễm bẩn, các bệnh về tiêu hóa thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân gây ra những bệnh về tiêu hóa là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (ăn uống thiếu vệ sinh, chưa được nấu chín, sôi...).
Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa khá phổ biến, nhiều người gặp trong những ngày mưa do vi khuẩn gây nên.
Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là cách tốt nhất để phòng chống bệnh về tiêu hóa.
Để phòng chống bệnh về tiêu hóa, bố mẹ cần hướng dẫn con cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh, thực hiện tốt ăn chín uống sôi...
4. Bệnh về hô hấp
Thời tiết ẩm thấp, mưa gió khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, nhất là trẻ nhỏ. Đây là những bệnh truyền nhiễm do một số virus khác nhau gây ra và thường xảy ra nhất trên thế giới. Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh về hô hấp trẻ rất dễ mắc phải.
Do đó, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa mắc bệnh cho trẻ:
- Cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục.
- Con đường lây lan chủ yếu của các bệnh dịch gây ra do vi khuẩn, vi rút là qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay. Do đó, việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây qua đường hô hấp. Cha mẹ cần làm gương cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh...
- Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát.
Bản quyền thuộc Trường Mầm non Nguyễn Viết Phong
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-nvphong.huongthuy.thuathienhue.edu.vn/