7 thực phẩm mẹ Việt thường cho con ăn nhưng gây hại ngầm cực lớn
Cập nhật lúc : 14:05 07/12/2017
Mì ăn liền hay những miếng xúc xích, thịt chế biến sẵn tưởng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng lại chứa đựng nguồn nguy hại lớn với trẻ.
Không phải bất cứ đồ ăn nào ngon, đẹp mắt đều mang lại lợi ích sức khỏe cho bé. Dưới đây là 7 loại thực phẩm rất nhiều trẻ ưa thích, thường xuyên sử dụng nhưng lại không hề tốt, thậm chí gây hại. Cha mẹ nên cân nhắc thật kĩ trước khi cho con dùng:
1. Ngũ cốc ăn sáng
Ưu điểm duy nhất của ngũ cốc cho bữa sáng là có chứa hàm lượng hạt nhất định trong nó. Tuy nhiên, nhược điểm của ngũ cốc đó là nó có thể chứa nhiều đường hoặc chất tạo ngọt không tốt cho trẻ.
Nhiều loại ngũ cốc thậm chí còn có chỉ số đường huyết GI (glycemix index - chỉ số phản ánh tốc độ gia tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường) cao - một loại chỉ số mà một bữa sáng lý tưởng cho trẻ không bao giờ nên có.
Nếu muốn, các bậc phụ huynh hãy lựa chọn cho trẻ những loại ngũ cốc nguyên hạt không chứa chất tạo ngọt.
2. Mì ăn liền
Nếu trẻ em ăn mì ăn liền mỗi ngày, hàm lượng muối giới hạn mỗi ngày của trẻ cũng vượt quá mức cho phép vì mì ăn liền thường chứa khá nhiều muối. Không chỉ gây hại cho sức khỏe của trẻ bởi hàm lượng muối cao, mì ăn liền thậm chí không thể cung cấp đủ lượng chất xơ thiết yếu do thường được chế biến từ bột mì tinh luyện.
3. Thịt chế biến sẵn
Dăm bông, lạp xưởng và xúc xích sấy khô là món ăn yêu thích của nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên không nhiều cha mẹ hiểu hết tác hại của chúng nên vẫn hồn nhiên cho con sử dụng.
Thịt chế biến sẵn chứa rất nhiều muối, không tốt cho sức khỏe trẻ, thậm chí là người lớn nếu sử dụng hàng ngày. Thậm chí một nghiên cứu do các nhà khoa học đã chỉ ra, việc ăn quá nhiều thịt chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em.
Vì vậy, thay vì việc dùng loại thịt này, các mẹ nên cho con ăn thịt tươi mỗi ngày.
4. Kẹo trái cây
Loại đồ ăn cực kì phổ biến được nhiều trẻ yêu thích này chứa rất nhiều đường nên nó không hề tốt cho sức khỏe của bé. Hơn nữa, trong kẹo còn có khá nhiều thành phần chất hóa học để kẹo có màu sắc rực rỡ, có mùi thơm... Thậm chí nếu được gắn mác "hữu cơ", kẹo dẻo trái cây không bao giờ tốt bằng trái cây tươi. Các bậc cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn vặt bằng kẹo mà thay vào đó cho bé ăn các loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, vitamin.
5. Đồ ăn đóng hộp
Ưu điểm của đổ ăn đóng hộp chính là sự thuận tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên, đồ ăn đóng hộp tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ nhỏ để phòng tránh tác hại của chất bảo quản đối với sức khỏe của trẻ.
Trên thực tế, hạn sử dụng của đồ ăn đóng hộp thường là hơn 12 tháng và hiện nay, các kỹ thuật chế biến mới không sử dụng đến chất bảo quản để duy trì độ tươi ngon của thức ăn nhưng loại chất độc hại này vẫn được tìm thấy trong khá nhiều loại đồ ăn đóng hộp hiện nay.
6. Thịt gà viên chiên
Thịt gà viên chiên là đồ ăn yêu thích cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, loại đồ ăn nhanh này không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nguyên nhân của việc này là vì lượng chất béo bão hòa có trong nó do cách chế biến chiên ngập dầu và lượng muối lớn khi tẩm ướp gia vị. Nếu trẻ thích ăn gà, mẹ có thể thay thế bằng món gà nướng hoặc gà rang, luộc tại nhà.
7. Đồ uống có đường
Liệu các mẹ có biết, một lon soda có dung tích trung bình chứa khoảng 35g đường, trong khi lượng đường thường dùng cho một tách trà chỉ từ 8-10g. Ngoài việc cung cấp cho trẻ lượng calo dư thừa dễ gây béo phì, nước soda cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em gái. Thậm chí nước trái cây đóng hộp với những dòng chữ quảng cáo "nguyên chất" hay "tự nhiên" cũng chứa hàm lượng đường cao.
Loại nước tốt nhất cho trẻ vẫn là nước lọc hoặc các loại nước hoa quả mẹ tự làm cho bé ở nhà.
Theo ThS.Bs Lê Thị Hải cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống, thức ăn nhanh có năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều muối nhưng lại ít rau, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng. Trẻ thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh dễ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì, dễ bị rối loạn mỡ trong máu.
Thức ăn nhanh khi chiên rán ở nhiệt độ cao gần như các vitamin và khoáng chất đã bị phá hủy hết. Vì vậy, thỉnh thoảng cho trẻ ăn thức ăn nhanh thì được nhưng ăn thường xuyên thì không tốt.
Theo Eva
Bản quyền thuộc Trường Mầm non Nguyễn Viết Phong
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-nvphong.huongthuy.thuathienhue.edu.vn/